Tin tức

  • Home
  • Tác giả
Bui-Thi-Tuyet-Mai-vanvn-

Song song với sự phát triển nhanh và mạnh về đội ngũ, số lượng, chất lượng tác phẩm của các nhà thơ nữ ngày càng nhiều và được nâng cao hơn. Nếu như thế kỉ XX của những năm 90 chúng ta biết đến Lối nhỏ (1998) của Dư Thị Hoàn, một vài tập thơ nhỏ lẻ của Vi Thị Thu Đạm, Hoàng Thị Cấp, Trần Thị Thu Nhiễu, Nông Thị Ngọc Hòa… thì đến những năm cuối cùng của thế kỷ này đã xuất hiện nhiều tập thơ của các tác giả đại diện cho các dân tộc khác nhau. Có thể kể đến một số tập thơ của các tác giả như Chu thùy Liên với Lửa sàn hoa (1998); Đóa hoa rừng của Hơ-vê; của Dư Thị Hoàn; Sông ngàn lau (2002) của Đoàn Ngọc Minh; Bế Mai Phương với Bài thơ cho cha (2003), Nông Thị Ngọc Hòa với Nước hồ mãi xanh (2004); Hoàng Thanh Hương có Tự cảm (2005); Đinh Mai Lan với Tiếng đàn đêm (2005); Nơi cất rượu (2005); Mường Trong (2006) của Bùi Thị Tuyết Mai; Lời cầu hôn của rừng (2008); Mùa trăng (2008) của Nông Thị Tô Hường; Hoàng Kim Dung với Khúc giao mùa (2008); Tạ Thu Huyền với Đầy vơi (2008); Phùng Thị Hải Yến với Thơ với bạn thơ (2012)…

Khoảng 30 năm trờ lại đây với sự phát triển mau lẹ, thơ DTTS đã tạo cho mình một mảng màu riêng biệt, một vẻ đẹp riêng độc đáo, góp phần làm phong phú thêm, đa dạng cho đời sống thơ ca dân tộc thiểu số, cho thơ nữ Việt Nam thời kì hiện đại. Đến thế kỉ XX xuất hiện nhiều tập thơ của các nhà thơ nữ dân tộc thiểu số ra mắt độc giả và có khá nhiều tập thơ được nhận Giải thưởng cao trong đời sống văn học Việt Nam. Điều này khẳng định sự đóng góp đáng quý và vị trí của nhưng cây bút nữ DTTS trong nền văn học DTTS Việt Nam thời kỳ hiện đại. Các tác phẩm được nhắc đến như Đóa hoa rừng của Hơ- vê (đạt Giải B của Hội nhà văn Việt Nam 1998); Bùi Thị Tuyết Mai có Mưa trong nhà (đạt Giải B của hội VHNT các DTTS Việt Nam 1998); Trầu đỏ môi ai (đạt Giải C của Văn học Hòa Bình 10 năm đổi mới); Đầy vơi của Tạ Thu Huyền (giải B giải thưởng VHNT Lào Cai 2001), giải Khuyến khích Giải thưởng Phan Si Păng 2002), Sông ngàn lau của Đoàn Ngọc Minh (đạt Giải Khuyến khích của hội VHNT các DTTS Việt Nam 2002); Nông Ngọc Hòa với Trước gương (đạt giải

C của hội VHNT các DTTS Việt Nam 1998, giải A của hội VHNT Phú Thọ 1995- 2000); Lời của lá (được tặng – giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2001, giải A của Hội VHNT Phú Thọ 2000- 2005); Vườn duyên đạt giải C Hội VHNT các DTTS Việt Nam 2002; Men qua cõi thiền Giải A của Hội VHNT các DTTS Việt Nam 2009; Tiếng đàn đêm của Đinh Thị Mai Lan (được giải B của Hội VHNT các DTTS Việt Nam 2007); Lời cầu hôn của rừng của Hoàng Thanh Hương (đạt giải B (không có giải A) của Hội VHNT các DTTS Việt Nam 2009 và giải C của Hội VHNT Lào Cai 2005- 2010) …

Nội dung chính trong sáng tác mà các cây bút nữ DTTS thời kì hiện đại đề cập tới là: Phản ánh chân thành, sinh động hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống và con người đồng bào DTTS vùng cao qua từng giai đoạn lịch sử với những biến cố và thăng trầm của đất nước cùng với lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc trong thời đại mới.

Điều đầu tiên mà chúng ta nhận thấy trong các sáng tác của họ chính là tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin tưởng và lòng trung thành và tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhắc đến điều này không thể không kể đến cây bút người Mông- Vừ Thị Dư đã có những câu thơ chân thật, tự nhiên khi ca ngợi lãnh tụ như: Nhờ mặt trời cộng với ánh trăng/ Soi sáng đất nước đêm ngày/ Nhờ Chính phủ và Hồ Chí Minh/ Lãnh đạo các dân tộc chúng mình/ Có mâm thịt đầy lại ca ngợi Đảng (Nhớ đến Chính Phủ). Nếu như nhà thơ Hoàng Diệu Tuyết (Tày) thể hiện sự biết ơn đối với Đảng đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xóa bỏ cách sống du mục của người dân: Nhà nhà vui no ấm/ Người người sống sum vầy/ Hạnh phúc trong tầm tay/ Bản định canh đổi mới/ Nhớ ơn Đẩng suốt đời (Thung lũng màu xanh) thì nhà thơ Bàn Thị Cúc (Dao) lại khẳng định vai trò to lớn của Đảng đã loại bỏ những hủ tục lạc hậu đeo bám trong cuộc sống hàng ngày của họ dó là hủ tục bắt con gái cạo trọc tóc (Mái tóc em) Hay Niê Phương (Ba Na) lại thể hiện sự xúc động trước tình cảm chân thành, gần gũi của các chiến sĩ bộ đội đã dạy họ cách đối đầu với kẻ

thù khi buôn làng có giặc tới : Họ được cụ Hồ cho cái đầu nở hoa sung/ Cái đầu ấy bày cho dân làng trồng khoai/ Thì khoai mau lớn/ Bày phụ nữ nuôi gà/ thì gà lợn mau to/ Cái đầu ấy chỉ dân làng cầm giáo đánh Tây/ Thì thằng Tây chạy trốn (Thương người cộng sản)…

Bên cạnh đó các cây bút nữ còn tập trung khắc họa bức tranh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và hiểm trở nhưng cũng rất thơ mộng, trữ tình cùng với vẻ đẹp tâm hồn con người miền núi mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Vậy điều gì đã thôi thúc các cây bút nữ hướng ngòi bút của mình để tạo nên những câu thơ hay về những cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống con ngời mang đậm vẻ đẹp của miền sơn cước như vậy? Phải chăng đó chính là tình yêu tha thiết đối với quê hương, xứ sở? Đúng vậy, nguồn cảm hứng mãnh liệt trong các sáng tác của các cây bút nữ đó chính là viết về quê hương xứ sở- nơi họ được sinh ra và lớn lên, gắn bó máu thịt với núi rừng, nương rẫy, sông suối…thân yêu, đồng thời họ đã thể hiện được niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc và ý thức bảo tồn gìn giữ phát huy những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa miền núi vào trong các trang thơ của mình. Dù đi đâu, về dâu thì quê hương luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong mỗi trái tim của mỗi nhà thơ, để họ có thể hát lên những khúc ca về quê hương yêu dấu của mình. Ví dụ như Nông Thị Ngọc Hòa với những câu thơ: Bậc ruộng ngô lúa xanh non/ Nhà sàn ra vào không cúi/ Thoáng đãng bốn bề gió thổi/ Cho rừng cho núi mơ trăng (Bậc thang); hay trong bài Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên: Cành mận bung trắng muốt Nhà trình tường ủ hương xôi nếp/ Giục lửa hồng nở hoa trong bếp/ Cho người đi xa nhớ lối trở về; Hoặc những câu thơ tràn đầy hương vị miền núi của Phùng Thị Hải Yến: Con về…/ Bập bùng bên bếp lửa dáng mế yêu/ Dấu hỏi oằn in trên vách nứa/ Mùi cá nướng cơm lam vừa chín/ Vị quê hương hóa mặn/ Hay giọt nước mắt con lăn trên núi quê mình (Vị Quê).

Bên cạnh đó, hình ảnh con người miền núi cũng đã đi sâu vào trong các sáng tác với những phẩm chất tốt đẹp mang tính truyền thống của các DTTS như: hiền lành, thơ mộc, cả tin, nhưng cũng rất tài hoa, mạnh mẽ, dũng cảm.

Họ là ai? Họ chính là những người cha, người mẹ miền núi luôn lo toan, vất vả, chịu thương, chịu khó không quản gian khó để chăm nuôi gia đình với những đứa con: Bóng mế còng lưng trảy ngô/ Cỗi cằn dốc đá/ Gùi lúa chín trên lưng/ Chở bao nhiêu mồ hôi nước mắt/ (Vị quê- Phùng Hải Yến); Vết chai tay dày thêm/ lưng cha thì còng xuống/ Đường cày thì phẳng/ Đời cha gập ghềnh (Lời cha- Bàn Kim Quy); Ngủ đi/ Đôi chân quen leo dốc ngược (Ru con- Bùi Thị Tuyết Mai); Họ còn là những cô gái xinh đẹp, dịu hiền, đảm đang, tháo vát mang vẻ đẹp khỏe khoắn đầy tính phồn thực: Lũ con gái ngực như quả núi (Bụng ta đỏ lửa- Sầm Nga Di); Bàn tay ta ngày ngày/Vun vén chồng con/ Đệm ấm chăn êm/ Rau mềm cơm rẻo/ Mặn mà như suối (Thuổi chéo -Tòng Thị Hân)…

Có thể thấy, với tình cảm yêu mến và lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc của những người phụ nữ thì thiên nhiên và cuộc sống con người miền núi được phản ánh sinh động và rõ nét qua sáng tác của các cây bút nữ trong thời đại mới. Qua các sáng tác, họ đã góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc vùng cao; đồng thời họ cũng đã thể hiện những tâm tư, tình cảm, những khát khao, những niềm vui, nỗi buồn của người phụ miền núi. Dường như chất dân tộc luôn in rõ trên từng trang viết, từng câu thơ của họ. Ta có thể bắt gặp nhiều bài thơ như thế: Chợ tình, Dặn con ngày đi làm dâu, Hoa hạ (Hoàng Thanh Hương); Tiếng mẹ (Thu Bình); Chiếc khèn tình, lá bùa yêu (Phùng Hải Yến); (Bụng ta đỏ lửa- Sầm Nga Di;, Lửa sàn hoa, Chiều Nậm Rốn (Chu Thùy Liên); Chàng trai đa tình (Nông Thị Tô Hường); Tiếng bọng, Phiên chợ rẻo cao (Đoàn Ngọc Minh); Có một miền quê, Tìm lại tuổi thơ (Nông Thị Ngọc Hòa); Mường trong, Nương quê tôi,Mùa yêu, Những người đàn bà (Bùi Thị Tuyết Mai); Hoàng Kim Dung với Thêu áo, Khèn lá và Con trai bản Sài, Nơi ấy sắc chàm (Mã Thị Hà)…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *